Đông y trị béo phì

Theo Y học cổ truyền, béo phì thuộc phạm trù phì nhân, nhục nhân; bệnh đã được nêu ra từ rất sớm trong các tác phẩm Tố vấn - Thông bình hư thực luận, Linh khu - Chương vệ khí thất dưỡng đều cho rằng béo phì đa phần là do đàm nhiều, thấp nhiều và khí hư gây nên; nguyên nhân thường có liên quan đến bẩm tố tiên thiên, do ăn nhiều cao lương mỹ vị, đồ ăn béo ngọt, nằm nhiều, ngồi nhiều, ít vận động.

Cát cánh.

Ngoài ra, bệnh còn do ngoại cảm thấp tà nhập lý thâm nhập vào tạng phủ và do nội thương thất tình ảnh hưởng đến công năng các tạng phủ: tỳ, thận, can, đởm. Đặc biệt là công năng thăng thanh giáng trọc của tỳ bị ảnh hưởng, chất thanh không được thăng, trọc chất không giáng hết nên không thể hóa sinh tinh huyết một cách chính thường để phân bố các chất tinh vi sung dưỡng cho toàn thân mà biến thành đàm thấp tích tụ lại ở cơ nhục bì phu mà gây béo phì; thận khí không đủ, không thể hóa khí hành thủy, trợ tỳ kiện vận, thông điều thủy đạo mà thấp trọc nội kết tràn ra bì phu gây béo phì.

Các phương pháp điều trị

Hóa thấp pháp: do tỳ hư vận hóa không tốt làm cho thấp tụ lại mà gây béo phì, biểu hiện người mệt mỏi, ăn uống không ngon, tâm ngực đầy tức, rêu lưỡi bẩn, mạch trầm tế.

Bài thuốc: Phòng kỷ hoàng kỳ thang gia giảm gồm phòng kỷ 10g, hoàng kỳ 15g, bạch truật 12g, cam thảo 8g, sinh khương 6g, đại táo 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Khứ đàm pháp: do đàm trọc gây béo phì, biểu hiện các chứng khí hư, ngực đầy tức, đầu nặng, thích ngủ, ngại vận động, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng bẩn, mạch hoạt.

Tỳ thận dương hư, can đởm thất điều, không bài xuất được đàm trọc, thủy thấp đình trệ cũng làm cho khí cơ không được lưu thông, mạch đạo không lợi, do đó bệnh thường kết hợp với khí trệ hoặc huyết ứ. Vì vậy, béo phì trên lâm sàng đa phần là do bản hư tiêu thực; bản hư lấy khí hư làm chủ, tiêu thực lấy đàm trọc làm chủ, thường kiêm có thủy thấp, cũng có thể có khí trệ, huyết ứ.

Bài thuốc: Ôn đởm thang gia giảm gồm bán hạ 10g, trúc nhự 8g, chỉ thực 12g, quất bì 10g, phục linh 12g, sinh khương 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Lợi thủy pháp: hay gặp ở những người béo bệu, mặt phù, chân phù, tiểu tiện ít, bụng trướng, đại tiện nát, mạch trầm tế.

Bài thuốc: Đạo thủy phục linh thang gia giảm gồm xích linh 10g, mạch môn đông 12g, trạch tả 10g, bạch truật 12g, tang bạch bì 10g, tử tô 6g, binh lang 8g, mộc qua 10g, đại phúc bì 8g, trần bì 8g, sa nhân 8g, mộc hương 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thông phủ pháp: thường gặp ở những người béo phì do ăn nhiều đồ béo ngọt, uống rượu nhiều, đại tiện bí kết, đàm trọc tích tụ, phủ khí không thông mà kèm theo có bụng trướng, tức ngực khó chịu, rêu lưỡi vàng dày, mạch thực.

Bài thuốc: Phòng phong thông thánh tán gia giảm gồm phòng phong 8g, kinh giới 6g, bạc hà 8g, liên kiều 8g, cát cánh 12g, xuyên khung 10g, đương quy 12g, bạch thược 10g, bạch truật 12g, chi tử 8g, đại hoàng 8g, mang tiêu 8g, thạch cao 15g, hoàng cầm 12g, hoạt thạch 20g, cam thảo 8g, ma hoàng 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Sơ lợi pháp: người béo phì kiêm có can uất khí trệ hoặc huyết ứ; lâm sàng biểu hiện đau mạng sườn, cấp táo, huyễn vựng, mệt mỏi, bụng trướng, miệng đắng phiền muộn, phụ nữ kinh nguyệt không đều, kinh bế hoặc trước kỳ kinh nhũ phòng trướng đau, rêu lưỡi vàng, mạch huyền.

Bài thuốc: Đại sài hồ thang gia giảm gồm sài hồ 15g, hoàng cầm 9g, đại hoàng 6g, chỉ thực 9g, xích thược 9g, bán hạ 9g, sinh khương 12g, đại táo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Kiện tỳ pháp: thường có biểu hiện của tỳ hư khí nhược, người mệt mỏi không có lực, đoản khí ngại nói, ăn uống kém, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhạt, mạch tế nhược vô lực.

Bài thuốc: Dị công tán gia giảm gồm đảng sâm 15g, bạch truật 12g, phục linh 10g, cam thảo 8g , trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Tiêu đạo pháp: gặp ở những người ăn ít mà vẫn béo phì, mệt mỏi ngại vận động, sau ăn bụng trướng đầy khó tiêu, rêu lưỡi trắng.

Bài thuốc: Bảo hòa hoàn gia giảm gồm sơn tra 20g, thần khúc 12g, mạch nha 10g, bán hạ 10g, phục linh 10g, trần bì 8g, liên kiều 8g, lai phục tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ôn dương: bệnh lâu ngày, tuổi cao, lâm sàng biểu hiện: sợ lạnh, lưng gối đau mỏi, tứ chi phù nặng, thường hay gặp ở người do thận dương hư.

Bài thuốc: Tế sinh thận khí hoàn gia giảm gồm phụ tử chế 9g, nhục quế 8g, thục địa 15g, sơn dược 12g, sơn thù du 10g, mẫu đan bì 10g, trạch tả 12g, trư linh 12g, ngưu tất 15g, xa tiền tử 10g, ba kích 12g, thỏ ty tử 10g, tang ký sinh 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Dưỡng âm: do âm dịch không đủ, âm hư sinh nội nhiệt, thường có biểu hiện trên lâm sàng: đau đầu, váng đầu, lưng gối đau mỏi, hai gò má đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng, mạch tế sác hoặc vi huyền.

Bài thuốc: Tri bá địa hoàng hoàn gia giảm gồm tri mẫu 10g, hoàng bá 8g, sơn dược 12g, sơn thù du 10g, thục địa 15g, mẫu đan bì 8g, phục linh 10g, trạch tả 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Sắc uống ngày 1 thang.

Ngoài ra, béo phì thường phát sinh với tăng huyết áp, mỡ máu cao, bệnh mạch vành... do đó càng làm nhanh quá trình lão hóa và tử vong. Một số các vị thuốc đã được nghiên cứu có hiệu quả tốt trong hạ mỡ máu như: sơn tra, hà thủ ô, trạch tả, quyết minh tử, đại hoàng, linh chi, hổ trượng, tam thất, bồ hoàng, hồng hoa, đan sâm, nữ trinh tử, sung úy tử, địa long, hà diệp, ngọc trúc, tang ký sinh, mạch nha, cát căn, uất kim, nhân trần.

TS. Trần Xuân Nguyên (Trung ương Hội Đông y Việt Nam)

Cách làm gối thuốc phòng, chữa bệnh

Gối là vật dụng không thể thiếu với mỗi người. Có người thích dùng gối cao, gối thấp hoặc gối cứng, gối mềm, nhưng ít ai chú ý đến chất liệu làm gối có ảnh hưởng tốt hay xấu đến sức khỏe của mình. Với trẻ sơ sinh, với người già yếu, ốm đau bệnh tật thì chiếc gối là vật bất ly thân. Vậy ruột gối nên làm bằng gì cho thích hợp mỗi người để nằm ngủ ngon giấc và phòng chữa được bệnh?

Cách làm gối thuốc phòng, chữa bệnh 1

Gối độn viễn chí, hoa cúc, bạch chỉ an thần ích trí, ngủ ngon, trị đau đầu, giảm trí nhớ.

Thông thường, ruột gối hay độn bông gòn, vỏ đỗ, mút… Các chất liệu này có tính ấm, hợp với mùa lạnh, với người có chứng dương hư âm thịnh hay cảm thấy lạnh. Nhưng đến mùa hè, thời tiết nóng nực, nhất là đối với trẻ em thể chất thuần dương, khi cảm sốt hoặc người tăng huyết áp thì không nên dùng loại gối này. Khi ngủ, gối áp vào vùng chẩm gáy, đại não là nơi định vị của tim, phổi. Đầu là nơi hội tụ các kinh dương: thủ túc thái dương, thiếu dương và dương minh kinh. Mà bệnh tật thường thường hay phát sinh từ kinh dương, dương mạch. Vì vậy, tùy theo sức khỏe hay ốm đau bệnh tật, chúng ta có thể làm chiếc gối có vật liệu thích hợp:

- Gối độn hoa cúc: hoa cúc phơi khô trong râm độn làm gối. Hoa cúc tính lạnh, thanh nhiệt làm hạ hỏa bốc lên đầu gáy nhức đầu, đỏ mắt, cao huyết áp, ngủ trằn trọc. Làm gối cho trẻ có tác dụng làm mát đầu, ổn định thần kinh, sáng mắt.

- Gối bằng vỏ hạt đậu xanh: vỏ đậu phơi khô độn gối làm mát đầu, ngủ yên, thần kinh êm dịu, hạ huyết áp, bốc hỏa, nhức đầu, làm sáng mắt tĩnh tai.

- Gối độn thông thảo: thông thảo khô lượng vừa đủ để làm gối, thái thành sợi nhỏ, thiên ma 50g, độn làm gối. Tác dụng: chữa âm hư, can dương vượng gây cao huyết áp, nhức đầu chóng mặt, hoa mắt, suy nhược thần kinh.

- Gối độn bạch chỉ, lá hồng: bạch chỉ 200g, hoa cúc 750g, lá hồng tứ hồng 150g, độn làm gối. Tác dụng: trị tăng huyết áp, đau đầu, xơ cứng động mạch.

- Gối độn 4 vị thuốc bắc: quy bản (mai rùa), long cốt, viễn chí, thạch xương bồ, lượng bằng nhau độn làm gối. Tác dụng: trị tâm hay sợ, hồi hộp bất an, trấn tĩnh thần kinh, nâng cao khả năng miễn dịch, tăng trí nhớ, chữa chứng kinh giản, ra mồ hôi trộm, ngủ mơ màng mộng mị, đầu váng mắt hoa, thông các khiếu, sáng mắt thính tai.

- Gối bạc hà hoắc hương: bạc hà, hoắc hương khô lượng bằng nhau độn làm gối có mùi thơm giúp dễ ngủ.

- Gối độn viễn chí, hoa cúc, bạch chỉ: viễn chí 150g, bạch chỉ 200g, hoa cúc 750g độn làm gối. Tác dụng: an thần, ích trí, trị mất ngủ, trí nhớ giảm sút, hay giật mình, đau đầu, hay quên.

- Gối lô hội, bạch chỉ, hoa cúc: lô hội (nha đam) 200g, hoa cúc 750g, bạch chỉ 200g, tất cả nghiền nhỏ, cho vào túi vải rồi độn gối. Tác dụng: chữa tắc mạch máu não. Gối đầu lâu sẽ giảm hoặc hết bệnh.

- Gối phòng, chữa chảy máu não: hoa cúc 750g, bạch chỉ 200g, lá hồng tứ hồng 150g, cành dâu (dùng nhánh nhỏ phơi trong mát cho khô) 150g, cho tất cả vào túi vải độn gối, nằm lâu sẽ khỏi bệnh.

Lương y Minh Chánh

Kinh nghiệm dân gian trị chứng đau đầu

Bạch quả.

Đầu là nơi hội tụ của mọi phần dương, là nơi của não bộ, khí huyết của ngũ tạng lục phủ đều hội tụ ở đó nên ngoại cảm thời tà, nội thương tạng phủ đều có thể gây đau đầu. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, nhưng không ngoài ngoại nhân (lục dâm): phong, hàn, thấp, nhiệt... và nội nhân (do thất tình) gây ra. Dân gian có nhiều bài thuốc trị bệnh này rất hiệu quả, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo và áp dụng.

Nhân trần 30g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2-3 lần.

Địa phủ tử 15g (cây rau chổi - Kochia scoparia), nghiền thành bột, thêm 1 thìa canh nước gừng uống với nước sôi để ấm.

Mạn kinh tử 6g, sắc lấy nước uống hằng ngày.

Lá sen 1 lá, trứng gà 2 quả, 1 lượng vừa phải đường đỏ, sắc nước uống mỗi ngày 2-3 lần (ăn trứng uống nước).

Hoàng kỳ 30g, thiên ma 10g. Sắc nước uống mỗi ngày 2 - 3 lần.

Đại hoàng (sao đến khói vàng bốc lên) 240g, xuyên khung 120g, tế tân 75g. Nghiền chung thành bột, trộn với mật làm viên to bằng hạt đậu xanh (tương đương 1g), mỗi lần 3-10g uống với nước sôi, ngày 2-3 lần.

Quả ngưu bàng 12g, thạch cao 12g, thảo quyết minh 12g. Nghiền chung thành bột, chia làm 2 lần trong ngày, uống với nước đun sôi để ấm.

Quy bản (yếm rùa) 30g, vỏ bào ngư (còn gọi là ốc cửu khổng) nung 30g, từ thạch 15g. Sắc nước uống mỗi ngày 2-3 lần

Sinh địa 15g, khổ sâm15g, hoàng cầm10g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang chia 2 lần sáng tối.

Bột kiều mạch 60g, sao nóng, thêm dấm rồi sao lại, lúc còn nóng lấy vải bọc lại, đắp vào huyệt thái dương, khi nguội thì thay. Cần tránh gió.

Tân di (nụ hoa mộc lan khô) lượng vừa phải. Nghiền thành bột, hít vào khoang mũi, ngày 2-3 lần.

Gừng sống 1 củ, hùng hoàng một ít. Đem gừng thái thành miếng, lấy bột hùng hoàng rắc lên trên miếng gừng, ghép 2 miếng gừng lại với nhau, ngoài bọc giấy ướt, đặt lên trên bếp lửa cho nóng rồi dán vào huyệt thái dương.

Ma hoàng 6g, hạt dành dành 6g. Nghiền chung thành bột, lấy 1 ít cơm nguội và thuốc đắp lên huyệt thái dương.

Hạt dành dành 6g, thảo ô 6g. Nghiền thành bột, trộn với nước hành đắp lên huyệt thái dương.

Lá ngô đồng lượng vừa phải. Lấy lá sao chín đắp lên đầu.

Bạch phụ tử 3g, xuyên khung 3g, hành củ 15g. Nghiền bạch phụ tử và xuyên khung thành bột, thêm hành đã giã nát, bày ra giấy rồi dán vào huyệt thái dương khoảng 1 giờ sẽ khỏi đau.

Lá sen cho vị thuốc chữa đau đầu.

Nếu đau nửa đầu có thể dùng một trong các bài:

Rễ câu kỷ (tức địa cốt bì) 30-50g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2-3lần.

Kinh giới 12g, đậu đen 12g, gừng sống 1 lát. Sắc nước uống mỗi ngày 1-2 lần.

Hạt ké đầu ngựa 10g, sắc lấy nước, uống ấm ngày 2-3 lần. Lưu ý kiêng thức ăn cay.

Quả ngưu bàng khô 36g, thạch cao sống 180g. Nghiền chung thành bột, mỗi lần uống 10-12g với nước sôi để ấm, ngày 3 lần.

Rễ ớt cay 10 cái, đường vừa đủ. Rễ ớt cay sắc lấy nước, cho thêm đường, uống mỗi ngày 1-2 lần.

Ngô thù du 10g, hoàng bá (sao nước muối) 10g. Sắc nước uống mỗi ngày 2-3 lần.

Hạ khô thảo 12g, củ gấu 10g, xuyên khung 10g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, uống liền 3 thang.

Liên kiều 10g, sinh địa 10g, xuyên khung 12g. Sắc nước uống mỗi ngày 2-3 lần.

Cóc mẳn 20g, xuyên khung 6g, thanh đại (bột chàm) 1g. Tất cả phơi khô, nghiền thành bột, thường xuyên hít bột này.

Cỏ nhọ nồi lượng vừa phải, giã nhỏ, lấy nước nhỏ vào mũi ngày 2-4 lần.

Náo dương hoa (hoa đỗ quyên) 3g, hạt phượng tiên hoa (cây bóng nước) 3g, thương truật 6g. Bỏ thuốc vào đáy bát, châm lửa cho cháy rồi hít khói của nó, đau bên trái thì hít lỗ mũi bên trái, đau bên phải thì hít lỗ mũi bên phải. Lượng thuốc trên chỉ dùng cho 1 lần, ngày hít 3 lần. Sau khi hít thấy có hơi mát xông thẳng vào trong mũi, đau sẽ giảm bớt.

Rễ uy linh tiên tươi (1 nắm, rửa sạch, rút gân rễ rồi giã nát, trộn với đường đắp lên chỗ đau.

Hạt thầu dầu 10g, nhũ hương 6g. Hạt thầu dầu bóc vỏ rồi cho nhũ hương vào giã chung làm bánh, đắp lên huyệt thái dương.

BS.CKII. Trần Lập Công

Bài thuốc trị xơ gan cổ trướng

Cổ trướng là một chứng bệnh nằm trong tứ chứng nan y của Đông y. Nguyên nhân gây ra bệnh rất đa dạng, tính chất bao trùm là hư chứng; hư trung hiệp thực (tà khí thực); do nội thương thất thường, ăn uống thực tích, lao lực quá sức và các chứng bệnh của hoàng đản, triệt ngược… gây ra. Bệnh “cổ trướng” được chia ra: Khí cổ, thuỷ cổ, huyết cổ, cổ trướng, nhiệt trướng, tỳ hư cổ trướng, tỳ thận hư cổ trướng và hàn trướng. Trong phạm vi cổ trướng, tuỳ theo từng nguyên nhân gây bệnh mà có các chứng trạng khác nhau:

Khí cổ

Triệu chứng: Ngực bụng đầy trướng, bụng phệ, da bụng dày, ngực tức sườn đau, hay ợ hơi, hay trung tiện. Tinh thần ảm đạm, u uất, hay bực tức, không muốn ăn uống. Nặng thì bụng phình to, da bụng dày, sắc xanh, ấn tay vào nổi lên ngay. Mạch trầm vô lực.

Bài thuốc: binh lang 16g, hậu phác 16g, mộc hương quảng 06g, đậu khấu nhân 8g, thanh bì 10g, trần bì 12g, đại phúc bì 12g, uất kim 16g, trạch tả 16g. Hậu phác cạo bỏ vỏ. Các vị trên sắc với 1.600ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Mộc hương quảng + thuốc sắc 30ml mài tan hết, cho vào thuốc sắc quấy đều. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

Thuỷ cổ

Triệu chứng: Bụng trướng to bè ra hai bên, da bụng mỏng, sáng, ấn lõm, ăn uống kém, chân tay gầy, sắc mặt vàng úa, chất lưỡi bệu, nhớt, rêu lưỡi trắng, đau bụng hoặc táo kết. Mạch trầm tế hoặc vi nhược.

Bài thuốc: hắc sửu 32g, tiểu hồi hương 8g, quảng mộc hương 6g. Hai vị hắc sửu và tiểu hồi hương sắc với 1.000ml nước, lọc bỏ bã lấy 200ml. Mộc hương quảng + thuốc sắc 40ml mài tan hết trộn lẫn quấy đều. Chia làm 2-3 phần, uống trong ngày.

Huyết cổ

Triệu chứng: Bụng trướng to, da bụng nổi gân hơi tía hoặc xanh, mệt mỏi, sắc mặt xanh sạm, chân, tay, mặt gầy, đại tiện phân đen, bóng, thối khẳm. Mạch trầm tế.

Bài thuốc: đương qui 12g, xích thược dược 10g, sinh địa hoàng 16g, quế tâm 6g, đào nhân 12g, phục linh 12g, hồng hoa 4g, chỉ xác 8g, sài hồ 8g, cam thảo 4g, bào khương 2g. Xích thược tẩm rượu, sinh địa hoàng tẩm rượu, đào nhân bỏ vỏ. Các vị trên sắc với 1.800ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Chia làm nhiều lần, uống trong ngày. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

Cổ trướng

Triệu chứng: Bụng to như cái trống, trướng đau, môi đỏ, mặt mày hốc hác, mắt lờ đờ nhợt nhạt, mửa nước trong, thích ăn đồ béo ngọt, lưỡi nhợt, bệu, rêu lưỡi có điểm xanh tím. Mạch tế sác.

Bài thuốc: bán hạ 12g, trần bì 6g, thanh bì 6g, chỉ xác 6g, la bạc tử 10g, cam thảo 4g, tử tô 6g, sa nhân 6g, nhục đậu khấu 4g, tam lăng 12g, nga truật 12g, binh lang 12g, quan quế 4g, bạch đậu khấu 4g, tất trừng già 6g, mộc hương quảng 2g, sinh khương 6g, đại táo 12g. Đại táo xé ra. Các vị trên sắc với 1.800ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Mộc hương quảng + thuốc sắc 30ml mài tan rồi hoà đều với thuốc sắc. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

Nhiệt trướng

Triệu chứng: Bụng trướng to, cứng, đau, cự án, phát sốt, miệng đắng, cổ khô, tiểu tiện vàng thẫm, sẻn, đại tiện bí, táo kết, lưỡi khô, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi vàng nhợt. Mạch sác.

Bài thuốc: hoàng liên 12g, hoàng cầm 16g, hậu phác 12g, chỉ xác 10g, bán hạ 12g, phục linh 12g, bạch truật 12g, nhân sâm 4g, trư linh10g, trạch tả 12g, cam thảo 4g, can khương 2g. Hậu phác cạo bỏ vỏ, bán hạ chế, cam thảo chích. Các vị trên sắc với 1.800ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

Tỳ hư cổ trướng

Triệu chứng: Bụng trướng, bụng đầy, ấn có khi mềm khi căng, thiện án, sôi bụng, sắc mặt vàng héo, tiếng nói nhỏ yếu, hơi thở ngắn, người mệt mỏi, gầy, mắt trắng, môi nhợt, chất lưỡi bệu, nhợt, đại tiện lỏng. Mạch trầm tế.

Bài thuốc: bạch truật 16g, phục linh 16g, hậu phác 16g, đại phúc bì 12g, thảo quả nhân 8g, mộc hương quảng 4g, mộc qua 16g, hắc phụ tử 8g, bào khương 4g, cam thảo 6g. Hậu phác cạo bỏ vỏ. Các vị trên sắc với 1.800ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Mộc hương quảng + thuốc sắc 30ml mài tan, hoà lẫn với thuốc sắc. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

Tỳ thận hư cổ trướng

Triệu chứng: Bụng đầy trướng, ấm ách sôi bụng khó chịu, không muốn ăn, đầu choáng mắt hoa, ù tai, đau lưng, mỏi gối, di tinh, ra mồ hôi, ngũ canh tiết tả. Mạch trầm tế.

Bài thuốc: nhân sâm 8g, can khương 12g, cam thảo 12g, bạch truật 12g, hắc phụ tử 10g. Các vị trên sắc với 1.500ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

Hàn trướng

Triệu chứng: Bụng đầy trướng, ấm ách trong bụng, đau vùng hạ vị, chườm nóng đỡ đau, chân tay lạnh, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, tiểu tiện trong ít, đại tiện phân nát, lỏng. Mạch trầm trì vô lực.

Bài thuốc: nhân sâm 8g, cam thảo 12g, can khương 12g, bạch truật 32g, ô dược 12g, chỉ thực 12g.

Chỉ thực nướng. Các vị trên sắc với 1.500ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

BS. Trần Văn Nguyên

Phương thuốc thanh nhiệt giải độc

Bạch cương tàm.

Thanh nhiệt giải độc là những phương thuốc trị các chứng nhiệt độc thịnh, ung nhọt, đinh nhọt, phát ban, nóng sốt. Trên nguyên tắc là sử dụng các dược vật có công năng tả hỏa, giải độc để lập thành phương như hoàng liên giải độc thang; phổ tế tiêu độc ẩm; tả tâm thang; thanh ôn bại độc ẩm.

Sau đây xin dẫn cụ thể những phương trị liệu ấy để tham khảo và chọn lựa áp dụng cho thích hợp khi cần thiết.

Hoàng liên giải độc thang: Hoàng liên 8-12g, hoàng bá 8-12g, hoàng cầm 8-12g, chi tử 8-12g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Tác dụng tả hỏa giải độc.

Trong phương: hoàng liên là chủ dược, tác dụng tả hỏa ở tâm và trung tiêu. Hoàng cầm tả hỏa ở thượng tiêu, hoàng bá tả hỏa ở hạ tiêu. Chi tử hỗ trợ thông tả hỏa ở tam tiêu. Khi hợp 4 vị này sẽ công hiệu tả hỏa và giải độc thêm mạnh. Phương này thích hợp cho các chứng hỏa nhiệt thịnh ở tam tiêu.

Gia giảm: Nếu uất nhiệt vàng da, gia nhân trần, đại hoàng, làm tăng cường tiêu ứ giải độc. Song đối với ung nhọt, đinh độc giã nát đắp tại chỗ hoặc gia các vị giải độc khác kết hợp. Phương cũng có thể sử dụng trị chứng huyết độc, kiết lỵ, viêm phổi thuộc chứng hỏa độc thịnh. Với các chứng xuất huyết như thổ huyết, chảy máu cam, phát ban có huyết nhiệt cần gia các vị lương huyết. thanh nhiệt như huyền sâm, sinh địa, đơn bì, mao căn...

Cần lưu ý: Dùng thuốc trên để trị chứng nhiệt độc thịnh là chính vì các dược vật đều mang tính hàn, vị đắng nên dễ làm thương tổn tân dịch, do đó cần thận trọng với người có tổn thương tân dịch hoặc cần gia các dược vật tư âm thanh nhiệt.

Phổ tế tiêu độc ẩm: Phương có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sơ phong tán tà. Được sử dụng trị chứng ung nhọt ở đầu mặt, bệnh quai bị, viêm amidal cấp, mà có biểu hiện sốt sợ lạnh, mồm khát, lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng pha vàng, mạch phù sác hoặc trầm sác có lực. Phương gồm hoàng cầm (tẩm rượu sao) 12-20g, hoàng liên 12-20g, trần bì 6-8g, huyền sâm 6-8g, bản lam căn 4-8g, ngưu bàng tử 4-6g, cương tằm 4-6g, sài hồ 8-12g, cam thảo 6-8g, liên kiều 4-8g, mã bột 4-6g, bạc hà 4-6g, thăng ma 4-6g. Các vị tán bột trộn mật làm hoàn hoặc sắc uống với liều gia giảm, ngày 1 thang, chia 3 lần. Lưu ý có phương không có bạc hà, có phương có nhân sâm 10g, có phương có đại hoàng.

Trong phương hoàng cầm và hoàng liên là chủ dược, tác dụng thanh tả nhiệt độc ở thượng tiêu đầu mặt. Huyền sâm, mã bột, bản lam căn, cát cánh, cam thảo thanh giải nhiệt độc ở đầu họng. Trần bì lý khí sơ thông ứ trệ; thăng ma. Sài hồ thăng dương, tán hỏa dẫn dược đưa lên đầu mặt.

Gia giảm: Quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn, gia xuyên luyện tử, long đởm thảo để can nhiệt; kết hợp dùng rượu hạt gấc bôi ngoài rất tốt. Khí hư, người mệt mỏi, gia đảng sâm, để bổ khí. Táo bón, gia đại hoàng để tả nhiệt thông tiện.

Tả tâm thang: Đại hoàng 6g, hoàng cầm 12g, hoàng liên 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Phương có công hiệu tả hỏa, giải độc, trừ thấp, trị chứng tâm, vị hỏa thịnh gây nôn ra máu, chảy máu cam, táo bón, hoặc tích nhiệt ở tam tiêu, mắt đỏ, mồm lở, hay ung nhọt, thấp nhiệt, vàng da, ngực sườn đầy tức, rêu lưỡi vàng dày, mạch sác có lực.

Thanh ôn bại độc ẩm: Phương tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, cứu âm. Dùng trị tất cả chứng hỏa nhiệt mà biểu hiện sốt cao, nóng bứt rứt, khát nước, nôn khan, đầu đau như búa bổ, hốt hoảng nói sảng hoặc phát ban nôn ra máu, chất lưỡi đỏ thẫm, mồ hôi, mạch trầm tế, hay trầm sác hoặc phù đại sác. Gồm sinh thạch cao 40-80g, sinh địa hoàng 16-20g, tê giác 2-4g, cát cánh 8-12g, huyền sâm 8-16g, đơn bì 8-12g, chi tử 8-16g, tri mẫu 8-12g, cam thảo 4-8g, hoàng cầm 8-12g, hoàng liên 4-12g, liên kiều 8-12g, trúc diệp tươi 8-12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần (thạch cao sắc trước, tê giác tán bột mịn uống với nước thuốc).

BS. Hoàng Xuân Đại

Bài thuốc trị bệnh đau nửa đầu

Theo Đông y, hội chứng đau nửa đầu (Meniere) thuộc chứng huyễn vựng gồm triệu chứng chóng mặt là chủ yếu kết hợp với các chứng ù tai, nôn mửa. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh theo từng thể.

Thể can phong: do can hỏa vượng, can dương bốc lên, can thận âm hư gây ra. Thường gặp ở người tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, rối loạn giao cảm… Biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt, ù tai, miệng khô, đắng, nôn mửa, phiền táo, dễ cáu gắt, đầu lưỡi đỏ, mạch huyền, tế, đới sác. Phép chữa: bình can tức phong, tiềm dương, hoặc bổ thận âm, bổ can huyết. Dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: thục địa 16g, quy bản 12g, miết giáp 12g, câu kỷ tử 12g, long cốt 12g, mẫu lệ 18g, câu đằng 16g, táo nhân 12g. Sắc uống.

Bài 2:Lục vị hoàn gia giảm: thục địa 16g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g; phục linh, trạch tả, đơn bì, bạch thược, đương quy, cúc hoa mỗi vị 8g; long cốt 12g; mẫu lệ 12g; câu kỷ tử 12g. Sắc uống.

Bài 3: Thiên ma câu đằng ẩm: thiên ma 12g, câu đằng 16g, phục linh 12g, tang ký sinh 16g, dạ giao đằng 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 8g, thạch quyết minh 20g. Sắc uống.

Bài 4: Nếu huyết áp tăng gây chóng mặt, phiền táo, ngủ ít, tiểu tiện đỏ, táo bón, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác, biểu hiện của chứng can hỏa vượng thì dùng bài Long đởm tả can thanggia giảm: long đởm thảo 12g, hoàng cầm 12g, sơn chi 12g, sài hồ 12g, sinh địa 16g, đương quy 8g, mộc thông 12g, xa tiền 16g, trạch tả 8g, cam thảo 4g, địa long 12g, mẫu lệ sống 16g. Sắc uống.

Long nhãn tốt cho người bệnh đau nửa đầu thể huyết hư.

Thể huyết hư:

thường gặp ở người thiếu máu, xơ cứng động mạch. Biểu hiện: sắc mặt xanh hoặc vàng úa, hồi hộp, ngủ ít, mệt mỏi, hay quên, ăn kém, chất lưỡi nhạt ít rêu, chóng mặt, hoa mắt. Mạch tế nhược. Kinh nguyệt không đều, lượng kinh ít, sắc kinh nhạt. Phép chữa: dưỡng huyết, tức phong. Dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: thục địa 16g, xuyên khung 12g, kỷ tử 12g, hà thủ ô 16g, tang ký sinh 16g, ngưu tất 12g, long nhãn 12g, cỏ nhọ nồi 12g, hoài sơn 12g. Sắc uống.

Bài 2: Tứ vật thang gia giảm: thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, đương quy 12g, tang ký sinh 16g, kỷ tử 12g, long nhãn 12g, hà thủ ô 16g, a giao 8g, ngưu tất 12g. Sắc uống.

Bài 3: Bát trân thang gia giảm: thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, đương quy 8g, đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, phục linh 8g, cam thảo 4g, địa long 12g, mẫu lệ sống 16g, thạch quyết minh 20g, tang ký sinh 16g. Sắc uống.

Bài 4: Ngũ vị tử thang: ngũ vị tử 8g, toan táo nhân 12g, hoài sơn 12g, long nhãn 12g, đương quy 8g. Sắc uống.

Thể hàn thấp: Biểu hiện: người béo trệ, chóng mặt, hoa mắt, lợm giọng, buồn nôn, ngủ hay mê, ăn kém, sáng hay khạc ra đờm, miệng nhạt, lưỡi bệu, rêu dính, mạch hoạt. Phép chữa: hòa đàm trừ thấp. Dùng bài Nhị trần thang gia giảm: trần bì 8g, bán hạ chế 8g, phục linh 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.

- Nếu miệng đắng, lưỡi khô, tiểu vàng, phiền táo, đại tiện táo thêm trúc nhự 8g, chỉ thực 12g, bạch thược 12g, địa long 8g, thạch xương bồ 8g.

- Nếu rêu lưỡi trắng dính, đại tiện lỏng, miệng không khát, thêm đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, trạch tả 8g.

Kết hợp day bấm các huyệt sau:

- Nội quan: từ cổ tay phía lòng bàn tay đo lên 2 tấc, cách 2 ngón tay 2 và 3.

- Lao cung: từ khe giữa ngón tay thứ 3 và thứ 4 kéo thẳng xuống giữa lòng bàn tay.

- Thiên lịch: trên huyệt dương khê 3 tấc.

- Phong trì: phía sau tai, chỗ lõm ở chân tóc.

- Định huyễn: từ phong trì đo lên 1 thốn.

Chủ yếu là day bấm 2 huyệt lao cung và thiên lịch có tác dụng tốt trong điều trị bệnh. Phối hợp tất cả các huyệt có tác dụng thanh nhiệt ở lục phủ ngũ tạng, thanh tâm hỏa, trừ thấp nhiệt, lương huyết, định tâm, an thần, thông mạch lạc, trị đau đầu, ù tai, đau các dây thần kinh, có tác dụng tốt trong phòng và trị bệnh đau nửa đầu.

Lương y Minh Chánh

Đông y điều trị mất tiếng, khản tiếng

Theo y học cổ truyền "phế là cửa của âm thanh, thận là gốc của âm thanh" (phế vi thanh âm chi môn, thận vi thanh môn chi căn). Như vậy mất tiếng có liên quan đến hai tạng phế và thận.

Về nguyên nhân bệnh có ngoại cảm gây mất tiếng và nội thương gây mất tiếng. Ngoại cảm gây mất tiếng thường là chứng thực, bệnh mới, nội thương gây mất tiếng thường do tinh khí hư, bệnh lâu là chứng hư. Ngoài ra hò hét, gào thét quá mức làm tổn thương phế khí cũng gây mất tiếng.

Về điều trị nếu do ngoại tà thì phải sơ tà, nếu do nội thương thì phải bổ hư.

Mất tiếng có nhiều thể và chứng khác nhau, căn cứ vào thể, chứng cụ thể mà dùng các bài thuốc thích hợp như dưới đây:

Chứng thực

Thể mất tiếng do cảm phải phong hàn

Triệu chứng: Tiếng khản, ho, sốt, mũi tắc, tiếng thở phô, mạch phù, rêu lưỡi mỏng trắng.

Phép điều trị: Sơ tán phong hàn, tuyên phế khí.

Bài 1: Ma hoàng 8g, hạnh nhân 12g, cam thảo 6g, kinh giới 12g, tiền hồ 12g, bối mẫu 12g, trần bì 8g, cát cánh 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Bài 2: Hoài sơn 16g, thục địa 16g, sơn thù 8g, phục linh 12g, mẫu đơn bì 6g, trạch tả 8g.

Bài 3: Lá tía tô 12g, kinh giới 8g, gừng tươi 8g, lá hẹ 12g, lá xương sông 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Thể mất tiếng do hàn tà bao vây nhiệt, khí phận bị bế tắc

Triệu chứng: Như ở phong hàn, thêm họng đau, miệng khát, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.

Phép điều trị: Sơ tán ngoại hàn, thanh trừ lý nhiệt.

Bài thuốc: Ma hoàng 12g, hạnh nhân 12g, cam thảo 8g, thạch cao 24g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Thể mất tiếng do phong tà hóa nhiệt đốt phế kim

Triệu chứng: Mất tiếng họng đau, mình nóng, ho, miệng khô, khát nước, rêu lưỡi vàng, mạch sác.

Phép điều trị: Thanh hỏa lợi hầu họng.

Bài thuốc: Cát cánh 12g, chi tử 10g, hoàng cầm 8g, tang bạch bì 8g, cam thảo 8g, tiền hồ 10g, tri mẫu 12g, bối mẫu 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Thể mất tiếng do đờm nhiệt giao trở

Triệu chứng: Tiếng nặng khàn, đờm nhiều, dính, vàng, miệng đắng họng khô, rêu lưỡi vàng cáu, mạch hoạt sác.

Phép điều trị: Thanh phế hóa đờm, lợi hầu họng.

Bài thuốc: Bối mẫu 12g, tri mẫu 10g, cam thảo 8g, cát cánh 12g, xương bồ 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Chứng hư

Thể mất tiếng do phế táo tân dịch ít

Triệu chứng: mồm họng khô, họng ngứa đau hoặc ho khan, tiếng khàn nói không ra tiếng, lưỡi đỏ, mạch sác.

Phép điều trị: Thanh phế nhuận táo.

Bài thuốc: Tang diệp 12g, nhân sâm 4g, ma nhân 6g, mạch môn 12g, tỳ bà diệp 10g, thạch cao 12g, cam thảo 6g, a giao 8g, hạnh nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Thể mất tiếng do thận âm bất túc

Triệu chứng: Mất tiếng, họng khô, hư phiền mất ngủ, lưng mỏi, gối yếu, nặng thì tai ù, ngũ tâm nóng, lưỡi đỏ, mạch hư sác.

Phép điều trị: Tư dưỡng thận âm.

Bài thuốc: Thục địa 16g, sơn thù 12g, trạch tả 12g, phục linh 12g, đan bì 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Thể mất tiếng do phế âm hư

Triệu chứng: Mất tiếng, khản tiếng do ho lâu.

Phép điều trị: Bổ phế chỉ khái.

Bài thuốc: Sinh địa 12g, thục địa 12g, mạch môn 12g, bách hợp 10g, bạch thược 12g, đương quy 8g, bối mẫu 12g, cam thảo 6g, huyền sâm 12g, cát cánh 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Ngoài việc dùng thuốc có thể dùng các món ăn - bài thuốc đơn giản để chữa mất tiếng, khản tiếng.

- Trần bì 10g, ô mai 3g. Sắc lấy 2 nước hòa chung, chia uống 2 lần trong ngày vào sáng và tối. Mỗi ngày 1 thang. Tác dụng sinh tân chỉ khát, tiêu đàm thông họng. Trị khản tiếng, mất tiếng.

- Lá kim châm 30g, mật ong 15g. Thêm 1 ly nước nấu sôi, cho thêm mật ong quấy đều, chia 3-4 lần uống hết trong ngày.

Công dụng: Giải độc, nhuận táo, thanh giọng, trị khàn tiếng, mất tiếng.

- Củ năn rửa gọt bỏ vỏ, giã nát vắt lấy nước, uống nguội tùy thích.

Mã thầy (củ năn)

Thanh nhiệt, giải độc, sinh tân giải khát, khai vị tiêu thực, nhuận táo, tiêu đàm thông họng. Trị khàn tiếng, mất tiếng, đau họng do phổi nóng, đàm vàng, táo bón.

- Củ cải 1 củ, bồ kết 3g. Củ cải cắt miếng, sắc nước cùng bồ kết, vớt bỏ bồ kết, ăn cả xác lẫn nước.

Khai khứu thông tý, nhuận phế tiêu đàm. Trị khàn tiếng, mất tiếng.

- Trứng gà 1 quả, giấm 250ml. Trứng rửa sạch đặt trong nồi đất thêm giấm nấu chín, lột bỏ vỏ, cho trở lại vào nồi, nấu thêm 15 phút, ngày 1 lần, ăn trứng uống giấm.

Công dụng: Thích hợp cho chứng mất tiếng, khàn tiếng do ho nhiều, ho dữ, dẫn tới viêm dây thanh cấp tính.

Lương y Vũ Quốc Trung

Đông y trị béo phì

Theo Y học cổ truyền, béo phì thuộc phạm trù phì nhân, nhục nhân; bệnh đã được nêu ra từ rất sớm trong các tác phẩm Tố vấn - Thông bình hư t...